Hotline : 0981656516

Địa chỉ : Lô D2 - KCN Hapro - Lệ Chi - Gia Lâm - Hà Nội

– Xác định công tác quản lý chất cấm trong chăn nuôi luôn là nhiệm vụ hàng đầu để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên người dân có tâm lý muốn tái đàn nhanh. Do đó thời gian qua, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác quản lý.

Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi

Một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist, với 3 chất tiêu biểu là Clenbuterol, Salbutamol và Ractoppamine; đây là các chất đứng đầu bảng của danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhóm hóa chất này theo các nhà khoa học sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi sử dụng nhiều chất cấm. Nhận thức rõ mức độ nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe của cộng đồng và các biện pháp xử lý vi phạm về kinh doanh và sử dụng chất cấm. Hằng năm, huyện đã thành lập các đoàn tổ chức từ 4 đến 8 đợt kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi tập trung; cơ sở giết mổ; kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi;… Trong năm 2020, huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn lấy 171 mẫu nước tiểu vật nuôi tại các hộ chăn nuôi lợn thịt để kiểm tra chất cấm Salbutamon bằng phương pháp testkit để kiểm tra chất cấm.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền; công tác kiểm tra, giám sát an toàn dịch bệnh, nên qua kiểm tra, trên địa bàn huyện Hậu Lộc chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; 100% các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm; phương pháp thử testkit cũng không phát hiện tỷ lệ nhiễm chất cấm Salbutamon trong mẫu nước tiểu của vật nuôi.

Với mục tiêu không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực chăn nuôi thú y; tổ chức phổ biến, tuyên truyền cho hơn 281 nghìn hộ và chủ cơ sở chăn nuôi ký cam kết với UBND các xã, phường, thị trấn về chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đó, tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi chú trọng kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt. Các lò giết mổ kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành lấy 400 mẫu nước tiểu, thức ăn chăn nuôi để kiểm tra tồn dư kháng sinh và chất cấm Salbutamon trong chăn nuôi; cấp phát hàng nghìn testkit cho các địa phương thực hiện kiểm tra chất cấm Salbutamol nhằm không để người chăn nuôi sử dụng chất cấm hoặc những chất không có trong danh mục được đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã khuyến khích các cơ sở sản xuất, các trang trại, gia trại, hộ dân hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, chính những người chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về chăn nuôi, kinh doanh gia súc, gia cầm để không vi phạm luật; khi phát hiện các trường hợp buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm để báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương biết, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhờ thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp quản lý chất cấm trong chăn nuôi, nên những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại địa phương mà còn khẳng định và xây dựng được thương hiệu, tạo đà để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.